Cách thử (test) giấy vẽ màu nước

Tiêu chuẩn

Giới thiệu

Trong bài viết Chọn giấy vẽ màu nước, Moko đã nói qua về các đặc tính, và thông số của giấy vẽ màu nước để mọi người có thể tham khỏa khi lựa chọn và quyết định xem mình nên mua cái gì, nhưng mà một khi đã mua giấy vể rồi thì làm sao mà biết nó có phải là giấy vẽ màu nước tốt hay có phù hợp với phong cách và kỹ thuật vẽ của bản thân hay không? Đây là lúc phải ta phải thử giấy vẽ màu nước đó!

Trong thực tế, chúng ta không nhất thiết phải thử chất lượng giấy vẽ màu nước trước khi dùng giấy để vẽ một bức tranh chi tiết và hoàn chỉnh. Nhưng mà đâu ai muốn bức tranh mình tỉ mỉ phác thảo, sau đó cẩn trọng tô từng chút lại hỏng chỉ vì mình không ngờ giấy lên màu như thế này, hay không biết rằng giấy không hợp với keo chặn v.v đúng không nào? Cho nên moko mới mạn phép viết bài này để giới thiệu một số thức cần kiểm tra trước khi bắt đầu vẽ trên giấy vẽ màu nước nha.

Lưu ý: Không có giấy nào là tốt nhất, chỉ có giấy phù hợp nhất. Dưới đây chỉ là một số cách mà moko biết và dùng, nên xem bài viết này là tham khảo chứ không có nghĩa là đây là toàn bộ những cách để thử giấy. Những cách thử có thể khác nhau tùy theo các kỹ thuật vẽ mà mọi người thường dùng, mọi người có thể thoải mái lựa chọn cách thử giấy sao cho phù hợp với bản thân nhất.
Có thể tham khảo thêm một số kỹ thuật vẽ màu nước căn bản tại đây.

Lưu ý nhỏ khi chọn giấy để thử

Nếu định thử giấy thì mọi người nên chọn giấy lẻ để thử trước, vì chẳng ai lại muốn mua một sổ giấy rồi tô có vài tờ thấy không hợp lại phải bỏ đúng không nào?

Nên chọn giấy có nhãn hiệu để sau này coi lại còn biết mình đã dùng cái gì mà mua lại nha, và nhớ phải tránh mấy loại giấy chung chung như giấy canson. Hãng Canson có tới mấy loại giấy lận nói thể thì không tài nào biết được nó là canson gì.

Nào giờ bắt đầu thử giấy thôi!

Đây là bản test thử của moko trên giấy Arches Hot press 300 gsm. Các mục thử được đánh số và giải thích bên dưới.

Dụng cụ: Bút chì phác thảo, gôm, màu nước, keo chặn (masking fluid), băng dính giấy mỹ thuật (loại mà mọi người thường dùng là được), và đương nhiên là giấy vẽ màu nước.

1.Khả năng tẩy xóa

Cách làm: tô một mảng bằng chì lên giấy sau đó dùng gôm tẩy sạch. Kiểm tra xem khi vẽ chì lên giấy có thể tẩy sạch được bằng gôm hay không, sau khi tẩy có làm sờn giấy, hay vân giấy thay đổi hay không.

Cách thử này phù hợp với: những người có thói quen vẽ phác trước rồi mới tô màu như moko :)

2. Khả năng nhận màu sau khi tẩy

Cách làm: Vẽ một dấu X lên giấy, dùng gôm tẩy sạch, sau đó tô màu nước lên. Sau khi màu khô thì xem kỹ màu có lên đều không, có còn thấy dấu X không.

Cách thử này phù hợp với: vẫn là những người có thói quen vẽ phác trước rồi mới tô màu như moko :)

3. Khả năng nhận màu sau khi dùng keo chặn

Cách làm: phủ một đường keo chặn và dàn một miếng băng dính giấy mỹ thuật, sau đó tô màu nước (mục đích là để sau khi gỡ keo chặn ra sẽ thấy rõ vùng đã chặn hơn). Để càng lâu càng tốt (khoảng 1 ngày hoặc nên đi làm những phần thử bên dưới trước). Khi đã thấy đủ lâu thì gỡ keo chặn và băng dính ra. Xem kỹ giấy có bị sờn rách, hay thay đổi vân hay không. Lấy máu nước (nên dùng màu khác) tô một đường lên. Xem kỹ màu có thay đổi khi tô lên vùng được dán băng dính và keo chặn không.

Cách thử này phù hợp với: Nhưng người thường dùng keo chặn hoặc băng dính để che, hoặc dán 4 cạnh.

4. Viền màu nước và khả năng làm mềm viền sau khi tô

Cách làm: Tô một đường màu nước lên giấy, đ sau đó dùng cọ sạch, ẩm quét lên viền của đường vừa tô để làm mềm viền đường viền. Xem kỹ xem đường viền có mềm bớt nhiều không, nếu có thì, có ra một đường màu chuyển không.

Cách thử này phù hợp với: người thường hay dùng kỹ thuật làm mềm đường viền (kỹ thuật này rất phổ biến vối những người vẽ thực vật)

5. Khả năng vẽ những đường sắc nét

Cách làm: dùng cọ quẹt những đường chéo mảnh lên giấy, đợi màu khô thì nhìn xem những đường mình vẽ có sắc nét không, màu lên có đều không, có bị viền đậm quanh nét vẽ không, đường nét có thay đổi gì so với khi màu còn ướt không.

Cách thử này phù hợp với: những người thường vẽ tranh có nhiều chi tiết, thông thường thì giấy hot press (cán nóng) sẽ thể hiện chi tiết tốt hơn giấy cold press (cán lạnh).

6. Khả năng chùi màu (color lifting)

Cách làm: tô một vùng màu nước, trong lúc màu còn hơi ẩm, dùng một cây cọ sạch ẩm, quẹt một đường lên dể thấm bớt màu lên cọ, rửa cọ và lập lại các bước trên khoảng 2 lần nữa. Đợi màu khô hoàn toàn rồi dùng cọ ẩm sạch quẹt lên như lúc nãy 3 lần. Mục đích là để kiểm tra khả năng lift màu của giấy, xem có thể chùi được nhiều màu không.

Cách thử này phù hợp với: những ai thường dùng kỹ thuật này.

7. Khả năng hòa màu

Cách làm: tô một vùng màu nước sau đó rửa cọ, trong lúc màu còn ướt tô một màu khác vào rồi xem khả năng loang màu của giấy, màu loang có mịn không, màu pha giữa 2 màu này lên màu có đẹp không, xuống màu xỉn màu không.

Cách thử này phù hợp với: hầu hết mọi người, vì đây là một trong những kỹ thuật đặc trưng của màu nước.

8. Khả năng nhận màu và wash

Cách làm: tô một mảng màu lớn lên giấy, cố gắn tô càn đều càng tốt. kiểm tra xem giấy có thể nhận màu tốt không, màu lên có đều, có chổ nàu đậm hoặc nhạt hơn, có bị lốm đốm không. Thông thường các loại giấy vẽ màu nước sẽ được phủ một lớp hồ (sizing) lên để nước thấm vào giấp chập hơn, nếu lớp hồ này được phủ không đều, thì chỉ nhìn qua sẽ rất khó thấy mà phải tô màu lên thì mới thấy được.

Cách thử này phù hợp với: tất cả mọi người.

9. Khả năng tạo lớp (glazing hay layering)

Cách làm: đợi phần màu đã tô ở mục trên khô hoàn toàn, sau đó dùng một màu khác tô chồng lên. Kiểm tra màu sau khi chồng lên thì pha màu có đẹp không, phần màu tô dư ra có biến đổi không, có bị xỉn đi không. Có thể lặp lại mục kiểm tra này nhiều lần để xem giấy có thể nhận được nhiều lớp màu không.

Cách thử này phù hợp với: hầu hết mọi người.

10. Khả năng loang màu

Cách làm: làm ướt giấy bằng nước sạch, trong lúc giấy còn ướt chấm màu lên mép nước, Xem mức độ loang của màu trên giấy, màu loang nhiều hay ít, vùng loang có lên có đẹp không.

Cách thử này phù hợp với: hầu hết mọi người, những ai thích dùng kỹ thuật loang màu ướt (wet on wet).

Moko vốn lười nên thường chỉ thử sơ sơ như trên thôi, và còn tùy theo thói quen và những kỹ thuật mà mỗi người hay sử dụng thì có thể kiểm tra những mục khác nhau nha. Trên đây là một số cách moko dùng, nếu moi ngườu có gì cần bổ sung thêm hay có làm bài thử giấy màu nước nào muốn chia sẻ thì đừng ngại chia sẽ dưới comment nha.

Ngoài ra mọi người cũng có thể xem thử kết quả test của moko để tham khảo nè. Một số giấy moko đã test:

+ Arches Hot press 300 gsm
+ Happy cold press 300 gsm

Cám ơn mọi người đã đọc nha!

Ba gia đình đường nét

Tiêu chuẩn

Đường nét là đường chia các hình khối, hình dạng và hoa văn của các thành phần trong tranh vẽ. Đường thẳng, đường góc (angle lines), và đường cong là những đường nét căng bản để “xây” nên bức vẽ của chúng ta.

Đường thẳng

Đường thẳng có thể dày hay mỏng, dài hay ngắn, và theo bất kỳ hướng nào. Những đường thẳng căn bản gồm:

+ Đường thẳng đứng: là các đường thẳng xuống, vuông góc với đường mặt đất.
+ Đường ngang: là đường vuông góc với đường thẳng đứng và song song với đường mặt đất.
+ Đường xiên: là những dường không thẳng cũng không ngang, mà chéo theo góc xiên so với mặt đất.

Dưới đây là ví dụ của một số dạng đường thẳng:

Ví dụ một số kiểu đường thẳng

Mọi người có thể luyện tập vẽ đường thẳng không dùng thước để có thể vẽ thoải mái và tự tin hơn. Khi mới tập thì không cần quá lo lắng, quan trọng là hãy đặt bút xuống vẽ thật dứt khoát, lâu dần thì đường vẽ sẽ càng ngày càng chính xác và thẳng hơn.

Đường góc

Đường góc xuất hiện khi hai đường thẳng gặp nhau, và được dùng vẽ nhiều loại hình dạng chứa các đường thẳng như là hình vuông, hình chữ nhật, và hình tam giác, v…v Độ lớn của góc sẽ quyết định hình dạng của vật đang vẽ.

Ví dụ một số đường góc

Mọi người có thể tập vẽ đường góc theo ví dụ bên trên.

Đường cong

Đường cong được tạo thành bằng cách bẻ cong đường thẳng (giống như hình chữ U và chữ C).
Đường cong kép là đường được tạo bằng cách đổi hướng đường cong (như hình chữ S).

Để tập vẽ đường cong, hãy quan sát các ví dụ dưới đây và vẽ càng nhiều đường cong dựa theo mẫu càng tốt.

Ví dụ đường cong

Bài tập

Dưới đây là 16 bài tập để mọi người có thể xác định và tập vẽ nhiều loại đường nét và hình khác nhau. Còn nhớ hình là gì không nào? Hình là đường viền của các hình khối. Các loại hình cơn bản gồm: hình tròn, bần dục, hình vuông, và hình chữ nhật, v..v.

Trước khi bắt tay vào làm những bài tập dưới đây, hãy dành chút thời gian quan sát kỹ các đường nét và hình trong mỗi khung và ngẫm nghĩ những chuyện sau:
+ Trong hình này có đường thẳng không?
+ Nếu có thì đó là đường thẳng đứng, đường ngang hay đường xiên?
+ Có chổ nào trong hình hai đường thẳng gặp nhau và tạo nên đường góc không?
+ Nếu có thì có tạo thành lớn hay nhỏ?
+ Trong hình có đường cong không?
+ Nếu có, thì đường cong này cong theo hướng nào?
+ Có đường cong nào đổi hướng và tạo thành đường cong kép như hình chữ S không?
+ Xem xét kích thước và hình dạng của những không gian nằm ở hai bên của các đường nét.
+ Quan sát kỹ các đường viền của các hình như là hình tròn, hình bầu dục, hình chữ nhật, hình tam giác, hay hình vuông.

Bây giờ thì có thể lấy bút chì và bắt đầu vẽ nào. Với bài tập này thì các bạn có thể dùng bút chì HB hoặc 2B tùy thích. Mọi người có thể save những hình dưới in ra giấy rồi vẽ vào ô trống nếu thích.

Nào bắt đầu bài tập thôi!

Ruru – Hướng dẫn vẽ mèo từng bước cùng Moko

Tiêu chuẩn

Chào mọi người, hôm nay Moko xin được mạn phép chỉ mọi người cách vẽ chân dung thú cưng từ ảnh chụp. Bài viết này được đúc kết từ kinh nghiệm cá nhân của Moko nến nếu có gì chưa tốt thì mong được mọi người góp ý. Nào ta bắt đầu thôi!

Dụng cụ:

  • Giấy vẽ, mọi người có thể chọn bất kỳ loại giấy vẽ nào mình thích, ở đây mình dùng giấy nâu series 400 của Strathmore.
  • Chì để phác thảo, tương tự giấy có thể dùng bất kỳ loại chì nào mình thích, nên dùng HB để nét phác nhẹ thôi, sau khi tô xong sẽ không thấy nữa, tránh dùng chì quá đậm. Ở đây mình dùng chì than trắng Primo Bianco (nếu dùng giấy trắng thì không nên dùng chì trắng sẽ khó thấy)
  • Gôm để tẩy bớt chì thừa
  • Chì màu, mình dùng chì Prismacolor Premier và Verithin.
  • Dung môi Gamblin Gamsol để hòa màu
  • Bút trâm để vẽ râu, nếu không có thì dùng bút bi hết mực để thay thế (nhưng phải chắc là đã hết nha, đang dùng mà nó ra mực thì… =.=)

Cách bước:

  1. Phác thảo:

Sau khi chọn được mẫu ưng ý, Moko sẽ bắt đầu phác thảo. Chú mèo trong ảnh tên là Ruru, ảnh mẫu nhận từ một người bạn. Có nhiều cách để phác chính xác theo hình mẫu nhanh, có thể quan sát và vẽ theo, dùng bàn sáng để căn theo, hoặc vẽ lưới (grid) ở đây mình dùng cách thứ 3. Vẽ lưới 9 ô vuông rồi bắt đầu căn theo lưới để vẽ.

Bức phác sau khi hoàn tất

Tiếp theo ta sẽ tiến hành tô màu, nhưng trước khi bắt đầu tô, do hình này có nhiều chi tiết sợ râu trắng, Moko sẽ tô và làm dấu râu mèo trước để những bước tô sau dễ dàng hơn.

Dùng hai màu đen (Black) và trắng (White) chuốt nhọn để tô theo sợi râu, rồi sau đó đè lên một lần nữa bằng bút trâm đầu tròn (Stylus) để tạo vết hằn, sau này khi tô màu chì sẽ không ăn lên những vùng có vết hằn này. Những bạn nào không có bút trâm có thể dùng bút bi hết mực để thay thế.

Giờ ta bắt đầu tiến hành tô màu.

2. Tô màu:

Theo thói quen, Moko bắt đầu tô từ mắt (đôi mắt là cửa sổ tâm hồn mà :)).
Bắt đầu từ vùng sáng nhất trong mắt với màu trắng White và xanh nhạt Sky blue lightNon Photo Blue.
Sau đó, lấy xanh lá nhạt Sap Green Light làm nền cho mắt, rồi thêm những màu xanh đất như Kelly Green, Limepeel và vàng đất như BrozenSand.
Vùng tròn đen lấy xanh chàm Indigo Blue làm nền trước, rồi mới tô màu đen Black lên. Muốn màu đen lên dậm và đẹp thì nên hòa trộn thêm nhiều màu khác, trong trường hợp này do đây là tông đen lạnh nên mình tô theo nhiều lớp màu (layer) với Tuscan Red Indigo Blue (Indigo Blue là chủ yếu), rồi mới tô màu đen lên.

Thêm những đường theo hướng để diễn tả lông mèo, cứ tô màu theo nguyên tắc màu nhạt trước (mình dùng Cream Eggshell) rồi tới màu đậm (Dark brownDark umber) Phần dưới ngả cam hơn thì thêm các màu cam đất như Mineral Orange, Pumpkin OrangeTerra Cotta.

Mọi người có thể chọn màu tùy cảm quan, chủ yếu là theo đúng tông là ổn, quan trọng là nhớ nguyên tắc khi tô màu chì là luôn tô nhạt trước, và phải thật kiên trì.

Bắt đầu từ mắt

Tiếp tục đi thêm nhiều lớp lông hơn với các màu tương tự như trên. Đi càng nhiều lớp thì lông càng trông chi tiết và giống thực.

Lưu ý quan trọng khi tô lông và tóc là phải tô theo đúng chiều của sợi lông thì nhìn sẽ ổn.

Sau khi tô được một số lượng lớp màu nhất định (tối thiểu 5-6 lớp) thì có thể bắt đầu dùng marker, chì blender hoặc dung môi để hòa màu (dùng dung môi để hòa màu sẽ giúp mình tô nhanh hơn nhiều). Ở đây mình dùng dung môi Gamblin Gamsol, kết quả sau khi hòa là hình bên dưới.

Đến đây thì bức vẽ cũng tương đối hoàn thiện, có thể tiến hành tỉa kỹ lại các chi tiết bằng chì màu chuốt nhọn hoặc chì Verithin.

Sau khi tỉa lại các chi tiết

Đến đây thì bức tranh xem như đã hoàn thiện nhưng do mình muốn thêm nền đen để làm nổi bật chủ thể nên đã tô thêm nền đen bằng màu nước, một sai lầm tai hại =.= giấy quá mỏng nên nhăn tùm lum. Kết luận là giấy Strathmore Series 400 Toned Tan không thể tô màu nước được. May là kết quả vẫn ổn.

Ký tên và hoàn tất thôi!!!

Cám ơn mọi người đã đọc bài hướng dẫn này. Nêu có gì thắc mắc cứ việc comment, mình sẽ cố gắng trả lời theo khả năng nha. Hẹn gặp lại trong bài tiếp theo!!

Lưu ý: Link trong là link affiliate marketing, nếu các bạn mua hàng từ link này thì không mất thêm chi phí nào mà moko sẽ được một ít hoa hồng nền nếu có thể thì mong các bạn ủng hộ đề moko có động lực tiếp tục nha.

Moko’s Story

Tiêu chuẩn

Câu chuyện của Moko bắt đầu từ lần đầu tiên Momoko được nhìn thấy nghệ thuật thật sự. Kể từ đó, Momoko luôn hy vọng sẽ có cơ hội để cố gắng tạo ra những tác phẩm đẹp như những gì đã nhìn thấy. Do đó Blog này ra đời để tập hợp những hướng dẫn vẽ mà Momoko tìm thấy, hy vọng những thông tin này có thể có ích cho tất cả mọi người.

Chỉ cần có thể cầm được bút, chúng ta nhất định có thể vẽ nên những bức tranh đẹp!