[Review] Tô thử (test) giấy vẽ màu nước phổ thông HAPPY Cold Press 300gsm

Tiêu chuẩn

Bảng tô thử:



Chi tiết từng mục thử và thử những gì mọi người có thể xem chi tiết tại bài viết này.

Dụng cụ dùng để thử:

Giấy: Happy cold press 300 gsm

Bút chì: graphite Staedler Mars Lumograph 2B và Pentel Graphgear 1000 0.3mm HB

Tẩy: tẩy bút Tuff Stuff của Papermate

Màu: màu nước hạng họa sĩ Sennelier màu Cobalt Violet Light Hue và Cerulean Blue.

Kết quả

Điểm cộng:

  • Giấy 25% cotton, không chứa acid.
  • Giá mềm
  • Khả năng tẩy xóa tốt, nét chì có thể xóa tương đối sạch, tuy còn còn nét mờ và làm giấy đổ lông, nhưng không làm ảnh hưởng đến màu khi tô lên.
  • Giấy có độ thấm hút trung bình, nên có viền, có thể làm mềm (softening) mờ.
  • Đường tô ra sắc nét, rõ.
  • Dễ chùi màu (lift) bằng cọ.
  • Loang màu (wet on wet) và hòa màu ổn.

Điểm trừ:

  • Không phải 100% cotton, nên có thể ảnh hưởng đến chất lượng bào quản, giấy sẽ nhanh ố vàng.
  • Tẩy nét chì có thể làm hỏng mặt giấy, nhưng không ảnh hưởng đến quá trình tô màu, tuy vậy khi dùng vẫn nên hạng chế vẽ phác và tẩy xóa.
  • Màu bám trên giấy không tốt, nên dễ di, sẽ làm ảnh hưởng một tí tới hiện ứng chồng màu (layering và glazing)
  • Màu loang được nhưng hiện vân không được đẹp mắt, không thích hợp cho những tranh dùng nhiều kỹ thuật ướt (wet on wet)

Kết luận:

Giấy giấy giá mềm, lên màu ổn, chất lượng khá tốt trong tầm giá, các kỹ thuật tô màu đều thể hiện khá

Mọi người có thể mua giấy này để test thử ở đây.

Trên đây là cảm quan của moko sau khi test thử giấy Happy, mọi người có thắc mắc hay góp ý gì thì thoải mái comment phía dưới nha.

Cách thử (test) giấy vẽ màu nước

Tiêu chuẩn

Giới thiệu

Trong bài viết Chọn giấy vẽ màu nước, Moko đã nói qua về các đặc tính, và thông số của giấy vẽ màu nước để mọi người có thể tham khỏa khi lựa chọn và quyết định xem mình nên mua cái gì, nhưng mà một khi đã mua giấy vể rồi thì làm sao mà biết nó có phải là giấy vẽ màu nước tốt hay có phù hợp với phong cách và kỹ thuật vẽ của bản thân hay không? Đây là lúc phải ta phải thử giấy vẽ màu nước đó!

Trong thực tế, chúng ta không nhất thiết phải thử chất lượng giấy vẽ màu nước trước khi dùng giấy để vẽ một bức tranh chi tiết và hoàn chỉnh. Nhưng mà đâu ai muốn bức tranh mình tỉ mỉ phác thảo, sau đó cẩn trọng tô từng chút lại hỏng chỉ vì mình không ngờ giấy lên màu như thế này, hay không biết rằng giấy không hợp với keo chặn v.v đúng không nào? Cho nên moko mới mạn phép viết bài này để giới thiệu một số thức cần kiểm tra trước khi bắt đầu vẽ trên giấy vẽ màu nước nha.

Lưu ý: Không có giấy nào là tốt nhất, chỉ có giấy phù hợp nhất. Dưới đây chỉ là một số cách mà moko biết và dùng, nên xem bài viết này là tham khảo chứ không có nghĩa là đây là toàn bộ những cách để thử giấy. Những cách thử có thể khác nhau tùy theo các kỹ thuật vẽ mà mọi người thường dùng, mọi người có thể thoải mái lựa chọn cách thử giấy sao cho phù hợp với bản thân nhất.
Có thể tham khảo thêm một số kỹ thuật vẽ màu nước căn bản tại đây.

Lưu ý nhỏ khi chọn giấy để thử

Nếu định thử giấy thì mọi người nên chọn giấy lẻ để thử trước, vì chẳng ai lại muốn mua một sổ giấy rồi tô có vài tờ thấy không hợp lại phải bỏ đúng không nào?

Nên chọn giấy có nhãn hiệu để sau này coi lại còn biết mình đã dùng cái gì mà mua lại nha, và nhớ phải tránh mấy loại giấy chung chung như giấy canson. Hãng Canson có tới mấy loại giấy lận nói thể thì không tài nào biết được nó là canson gì.

Nào giờ bắt đầu thử giấy thôi!

Đây là bản test thử của moko trên giấy Arches Hot press 300 gsm. Các mục thử được đánh số và giải thích bên dưới.

Dụng cụ: Bút chì phác thảo, gôm, màu nước, keo chặn (masking fluid), băng dính giấy mỹ thuật (loại mà mọi người thường dùng là được), và đương nhiên là giấy vẽ màu nước.

1.Khả năng tẩy xóa

Cách làm: tô một mảng bằng chì lên giấy sau đó dùng gôm tẩy sạch. Kiểm tra xem khi vẽ chì lên giấy có thể tẩy sạch được bằng gôm hay không, sau khi tẩy có làm sờn giấy, hay vân giấy thay đổi hay không.

Cách thử này phù hợp với: những người có thói quen vẽ phác trước rồi mới tô màu như moko :)

2. Khả năng nhận màu sau khi tẩy

Cách làm: Vẽ một dấu X lên giấy, dùng gôm tẩy sạch, sau đó tô màu nước lên. Sau khi màu khô thì xem kỹ màu có lên đều không, có còn thấy dấu X không.

Cách thử này phù hợp với: vẫn là những người có thói quen vẽ phác trước rồi mới tô màu như moko :)

3. Khả năng nhận màu sau khi dùng keo chặn

Cách làm: phủ một đường keo chặn và dàn một miếng băng dính giấy mỹ thuật, sau đó tô màu nước (mục đích là để sau khi gỡ keo chặn ra sẽ thấy rõ vùng đã chặn hơn). Để càng lâu càng tốt (khoảng 1 ngày hoặc nên đi làm những phần thử bên dưới trước). Khi đã thấy đủ lâu thì gỡ keo chặn và băng dính ra. Xem kỹ giấy có bị sờn rách, hay thay đổi vân hay không. Lấy máu nước (nên dùng màu khác) tô một đường lên. Xem kỹ màu có thay đổi khi tô lên vùng được dán băng dính và keo chặn không.

Cách thử này phù hợp với: Nhưng người thường dùng keo chặn hoặc băng dính để che, hoặc dán 4 cạnh.

4. Viền màu nước và khả năng làm mềm viền sau khi tô

Cách làm: Tô một đường màu nước lên giấy, đ sau đó dùng cọ sạch, ẩm quét lên viền của đường vừa tô để làm mềm viền đường viền. Xem kỹ xem đường viền có mềm bớt nhiều không, nếu có thì, có ra một đường màu chuyển không.

Cách thử này phù hợp với: người thường hay dùng kỹ thuật làm mềm đường viền (kỹ thuật này rất phổ biến vối những người vẽ thực vật)

5. Khả năng vẽ những đường sắc nét

Cách làm: dùng cọ quẹt những đường chéo mảnh lên giấy, đợi màu khô thì nhìn xem những đường mình vẽ có sắc nét không, màu lên có đều không, có bị viền đậm quanh nét vẽ không, đường nét có thay đổi gì so với khi màu còn ướt không.

Cách thử này phù hợp với: những người thường vẽ tranh có nhiều chi tiết, thông thường thì giấy hot press (cán nóng) sẽ thể hiện chi tiết tốt hơn giấy cold press (cán lạnh).

6. Khả năng chùi màu (color lifting)

Cách làm: tô một vùng màu nước, trong lúc màu còn hơi ẩm, dùng một cây cọ sạch ẩm, quẹt một đường lên dể thấm bớt màu lên cọ, rửa cọ và lập lại các bước trên khoảng 2 lần nữa. Đợi màu khô hoàn toàn rồi dùng cọ ẩm sạch quẹt lên như lúc nãy 3 lần. Mục đích là để kiểm tra khả năng lift màu của giấy, xem có thể chùi được nhiều màu không.

Cách thử này phù hợp với: những ai thường dùng kỹ thuật này.

7. Khả năng hòa màu

Cách làm: tô một vùng màu nước sau đó rửa cọ, trong lúc màu còn ướt tô một màu khác vào rồi xem khả năng loang màu của giấy, màu loang có mịn không, màu pha giữa 2 màu này lên màu có đẹp không, xuống màu xỉn màu không.

Cách thử này phù hợp với: hầu hết mọi người, vì đây là một trong những kỹ thuật đặc trưng của màu nước.

8. Khả năng nhận màu và wash

Cách làm: tô một mảng màu lớn lên giấy, cố gắn tô càn đều càng tốt. kiểm tra xem giấy có thể nhận màu tốt không, màu lên có đều, có chổ nàu đậm hoặc nhạt hơn, có bị lốm đốm không. Thông thường các loại giấy vẽ màu nước sẽ được phủ một lớp hồ (sizing) lên để nước thấm vào giấp chập hơn, nếu lớp hồ này được phủ không đều, thì chỉ nhìn qua sẽ rất khó thấy mà phải tô màu lên thì mới thấy được.

Cách thử này phù hợp với: tất cả mọi người.

9. Khả năng tạo lớp (glazing hay layering)

Cách làm: đợi phần màu đã tô ở mục trên khô hoàn toàn, sau đó dùng một màu khác tô chồng lên. Kiểm tra màu sau khi chồng lên thì pha màu có đẹp không, phần màu tô dư ra có biến đổi không, có bị xỉn đi không. Có thể lặp lại mục kiểm tra này nhiều lần để xem giấy có thể nhận được nhiều lớp màu không.

Cách thử này phù hợp với: hầu hết mọi người.

10. Khả năng loang màu

Cách làm: làm ướt giấy bằng nước sạch, trong lúc giấy còn ướt chấm màu lên mép nước, Xem mức độ loang của màu trên giấy, màu loang nhiều hay ít, vùng loang có lên có đẹp không.

Cách thử này phù hợp với: hầu hết mọi người, những ai thích dùng kỹ thuật loang màu ướt (wet on wet).

Moko vốn lười nên thường chỉ thử sơ sơ như trên thôi, và còn tùy theo thói quen và những kỹ thuật mà mỗi người hay sử dụng thì có thể kiểm tra những mục khác nhau nha. Trên đây là một số cách moko dùng, nếu moi ngườu có gì cần bổ sung thêm hay có làm bài thử giấy màu nước nào muốn chia sẻ thì đừng ngại chia sẽ dưới comment nha.

Ngoài ra mọi người cũng có thể xem thử kết quả test của moko để tham khảo nè. Một số giấy moko đã test:

+ Arches Hot press 300 gsm
+ Happy cold press 300 gsm

Cám ơn mọi người đã đọc nha!

[Review] Tô thử (test) giấy vẽ màu nước hạng họa sĩ Arches Hot Press 300gsm

Tiêu chuẩn

Bảng tô thử:

Chi tiết từng mục thử và thử những gì mọi người có thể xem chi tiết tại bài viết này.

Dụng cụ dùng để thử:

Giấy: Arches Hot press 300gsm

Bút chì: graphite Staedler Mars Lumograph 2B và Pentel Graphgear 1000 0.3mm HB

Tẩy: tẩy bút Tuff Stuff của Papermate

Màu: màu nước hạng họa sĩ Sennelier màu Cobalt Violet Light Hue và Cerulean Blue.

Kết quả

Điểm cộng:

  • Giấy 100% cotton, không chứa acid.
  • Màu trắng ấm, lên màu đẹp.
  • Khả năng tẩy xóa rất tốt, nét chì có thể xóa sạch hoàn toàn.
  • Giấy có độ thấm hút nước nhanh, nên ít có viền đậm, có thể làm mềm (softening) mờ ít.
  • Đường tô ra sắc nét, rõ, đi chi tiết tốt.
  • Màu bám trên giấy tương đối mạnh, khó di, nên có thể cho hiện ứng chồng màu (layering và glazing) đẹp nhưng vẫn có thể chùi màu (lift) bằng cọ được.
  • Loang màu (wet on wet) đẹp, và hòa màu tốt.

Điểm trừ:

  • Giá thành cao.
  • Kết luận:

    Giấy tốt, 100% cotton, lên màu đẹp và ấm, các kỹ thuật tô màu đều thể hiện tốt, phù hợp vẽ chi tiết. Mọi thứ đều tốt, duy có điều giá hơi cao T_T

    Mọi người có thể mua lẻ giấy này để test thử ở đây.

    Trên đây là cảm quan của moko sau khi test thử giấy Arches, mọi người có thắc mắc hay góp ý gì thì thoải mái comment phía dưới nha.

    [Review] Pelikan transparent 24 màu

    Tiêu chuẩn

    Pelikan không phải là màu nước đầu tiên mà mình dùng, màu nước đầu tiên mà mình dùng là Revees (nếu không tính màu poster color của Pentel và vô số màu hồi nhỏ nghich mà không biết hãng). Nhưng mà chỉ sau một thời gian ngắn mình đã mua Pelikan về dùng thử, và sau đó không dùng Revees nữa luôn :D Nên mình nghĩ nó cũng đàng có một cái review đàng hoàng sau khi đã gắn bó với mình một thời gian kha khá ^^

    Tổng quát:

    Thông tin cơ bản:
    +Hãng: Pelikan (Đức)
    +Loại: màu nước trong (transparent), dạng pan.
    +Số màu: 24
    +Sản xuất tại Đức
    +Giá: mình mua set 24 với giá khuyến mãi 750k, bình thường là 1200k, tính ra theo giá gốc khoảng 50k/ màu.

    Ưu điểm:
    +Màu đậm, cho cảm giác khá giống màu chuyên nghiệp.
    +Giá tốt (so với hạng chuyên nghiệp, đương nhiên), thích hợp để luyện tập
    +Có booklet chú giải các tên màu, và hướng dẫn một số kỹ thuật cơ bản (bằng tiếng Anh và tiếng Đức)
    +Có đủ các màu căn bản
    +Hộp có kèm vĩ pha màu, và 2 hộp nhỏ để đựng nước.

    Khuyết điểm: tất cả những khuyết điểm thường thấy của màu hạng học sinh (student)
    +Không có thông tin về màu (pigment info)
    +Độ chịu sáng (lightfast) kém
    +Không thể mua từng màu lẻ
    +Chỉ có 24 màu
    +Hộp nhựa cứng cáp, nhưng thiết kế hơi to và hình dáng hơi kỳ cục -_-.

    Chi tiết:

    Hộp nhựa bên ngoài, cùng với 2 hộp đựng nước

    Màu được để trong hộp nhựa cứng, có 2 hộp nhỏ để đựng nước và vĩ pha màu, nhưng thiết kế hơi to và kỳ cục. Mình không vẽ ngoài trời (plein air) nên không biết nó có tiện hay không =v= nhưng khi đặt trong nhà thì cũng tạm.

    Cơ bản mà nói thì Pelikan là một dòng màu cho học sinh (student), màu có nồng độ màu (pigment) cao nên cho màu rất đậm, cho cảm giác khá giống màu chuyên nghiệp, có lẽ là vì thế nên khi mình chuyển qua dùng thử Daniel Smith và Sennelier thì mình không cảm thấy quá ấn tượng. Tuy nhiên so với màu chuyên nghiệp thì màu không được tươi bằng, và khá mau phai, nhất là màu tím.

    Nhìn vào hình bên dưới cũng có thể thấy màu của Pelikan có lượng màu (pigment) cao cũng không thua gì Sennelier và Daniel Smith (hai hãng màu chuyên nghiệp), tuy nhiên do pigment khác (chắc là để hạ giá thành) nên màu có vẻ tối hơn.

    So sánh màu Ultramarine của Sennelier, Daniel Smith và Pelikan – theo thứ tự từ trên xuống

    Pelikan có 2 set, 12 và 24 màu. Set mình dùng là set 24. Cả 2 set đều có khá đầy đủ những màu căn bản, và kèm theo một quyển booklet nhỏ ghi tên các màu trong bộ. Đặc biệt là set 24 có màu da, giúp cho mình tô da dễ hơn, nhưng đáng tiếc là không thể mua lẻ từng màu được.
    Dưới đây là bảng màu của set 24:

    Riêng set 12 thì chỉ có màu: Yellow, Vermillion, Carmine, Ultramarine, Prussian Blue, Blue Green, Yellow Green, Violet, Yellow Ochre, Brunt Sienna, Raw Umber, Lamp Black.

    Một điểm khá tệ của Pelikan là màu tím không được đẹp lắm, và độ chịu sáng cũng kém.
    Tranh vẽ bằng Pelikan của mình:

    Practice Forest, vẽ bằng màu Pelikan, trên giấy Strathmore Journal

    Chọn cọ vẽ màu nước

    Tiêu chuẩn

    Nhưng đã hứa, hôm nay Momoko chia sẽ cho mọi người một số thông về cọ vẽ màu nước mà bản thân biết và đã tìm hiểu. Cọ vẽ có thể được dùng với nhiều mục đích như tô màu nước, màu acrylic, màu dầu, hay thậm chí là dùng để vẽ khô lên giấy với bột than (dry brush). Nhưng trong bài này mình chỉ chủ yếu nói về cọ vẽ màu nước. Việc chọn cọ phụ thuộc vào nhiều yếu tố bạn có thể chi bao nhiêu hay kỹ thuật tô màu nước của bạn, nói chung là cũng như các họa cụ khác, chọn màu nước là tùy theo sở thích cá nhân, nên mình viết bài này chủ yếu cũng để các bạn tham khảo thôi, nên nếu có gì không đúng hay thiếu sót các bạn có thể góp ý bằng comment nha.

    Cọ vẽ chuyên nghiệp có giá rất đắt, có khi là như ở trên trời. Do vậy khi chọn cọ cũng cần tỉnh táo nếu không rất dễ phí tiền vào những cây cọ không bền, hay không cần. Một cây cọ tốt phải giữ được nhiều nước và màu, có thể quay lại hình dáng ban đầu sau mỗi nét cọ, giữ được đầu nhọn (fine point), đầu bịt sắt (ferrule, phần kim loại nối giữa thân cọ và lông cọ) bền chắc, và đương nhiên là không bị sùi lông hay rớt lông ra. Như đã nói trên, chọn cọ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, để đơn giản mình sẽ chỉ cân nhắc một số yếu tố quan trọng loại cọ, loại sợi và kích thước.

    Loại cọ

    Khi chọn cọ đầu tiên hãy nghĩ tới loại cọ mà bạn muốn chọn trước. Hiện tại có rất nhiều loại cọ như là cọ round (hay cọ tròn), cọ flat (phẳng, hay có chổ dịch thành cọ dẹt), cọ fan (có hình như đầu chổi), cọ mop, cọ hình oval, cọ angular (đầu cọ không thẳng mà nghiêng), cọ quill, v.v.

    Brushtypes

    Một số loại đầu cọ – nguồn Wikipedia

    Bạn có thể bắt đầu từ việc trả lời câu hỏi như là mình mua cọ để làm gì, ví dụ như bạn muốn cọ để wash, hay để vẽ chi tiết. Theo công năng thì có thể cân nhắc một số thứ sau:

    +Cọ để wash: để wash thì bạn cần một cây cọ lớn, có thể giữ được nhiều nước và màu. Bạn có thể chọn cọ round kích thước lớn (size 8 trở lên), hay cọ quill, cọ flat, cọ mop đều ổn. Thường thì chỉ cần khoảng 1-2 cọ wash là được.

    +Cọ để vẽ chi tiết: có thể dùng cọ round kích thước nhỏ (khoảng size dưới 4); cọ rigger (rigger có nghĩa là cột buồm, người ta thường dùng cọ này để vẽ dây dựng buồm nên mới gọi tên như thế), cọ spotter (spot có nghĩa là đốm chấm).

    +Để dùng bình thường: thì dùng cọ round hay flat.

    Trong các loại cọ, thì quan trọng nhất là cọ round, vì cọ này rất tiện dụng, có thể dùng được vào hầu như tất cả mọi thứ nên mỗi họa sĩ vẽ màu nước đều phải có ít nhất là một cây cọ round (và cá nhân mình thấy là không chừng còn hơn)

    Loại lông

    Sau khi quyết định được loại cọ, tiếp theo cần xem mình muốn mua loại lông gì. Ở Việt Nam thì ít khi nào người ta ghi rõ chuyện này, nhưng lông cọ là yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng tới tính năng và giá thành của cây cọ. Lông cọ có thể là lông tự nhiên hoặc nhân tạo.

    Lông tự nhiên

    Trong các loại lông tự nhiên thì nổi tiếng nhất chắc chắn là lông chồn zibelin (tiếng Anh là sable); mà trong đó đắt nhất là chồn Kolinsky, lấy từ một loài chồn sống ở vùng Kolinsky, Siberia, giá của cọ lông chồn Kolinsky có thể lên tới $1000, tùy vào kích thước. Do rất đắt nên nếu hầu bao cho phép thì bạn nên mua một cây cọ round bằng lông Kolinsky.

    Ngoài ra cũng có nhiều loại lông tự nhiên khác, như lông sóc (squirrel), lông dê (goat), hai loại lông này hợp để dùng làm cọ để wash như cọ mop. Lông bò (ox) cứng hợp làm cọ flat.

    Nói chung là cọ round thì mua lông chồn zibelin (red sable), giàu thì mua Kolinsky. Còn mấy cây cọ lớn để wash thì cứ dùng mấy lông khác cho tiết kiệm.

    Lông nhân tạo

    Hầu bao eo hẹp hơn thì chọn cọ lông nhân tạo. Tuy nói là không bằng nhưng nếu mua cọ nhân tạo của những hãng chất lượng và uy tín thì dùng cũng rất tốt. Thường thì lông nhân tạo sẽ có giá rẻ hơn; dùng cũng bền và ích cần bảo quản hơn. Nhưng bù lại, lông nhân tạo thường không tốt bằng, cho màu không đều bằng và giữ đầu nhọn (finepoint) cũng không bằng lông tự nhiên.

    Kích cỡ cọ

    Bây giờ khi bạn đã biết mình cần cọ loại gì và lông gì rồi thì tiếp theo cần quyết định xem cần kích cỡ nào. Để khi vẽ thuận lợi hơn, kích cỡ cọ nên tương xứng với kích thước tranh. Nếu bạn thường vẽ tranh khoảng khổ 9×12 inch, tức là lớn hơn a4 một chút, thì cọ round khoảng rộng khoảng ~5mm, và ~3mm, cùng với một cọ flat rộng khoảng 10~20mm, là có thể tạm đủ. Nhưng nếu như bạn thích vẽ tranh minitature (kiểu tranh vẽ nhỏ xíu, cỡ một đồng xu) thì bạn sẽ muốn dùng cọ nhỏ (size dưới 2), có thể là càng nhỏ càng tốt.

    Tranh lớn thì cọ cũng phải lớn theo.

    Kích cỡ hay size của cọ dao động tùy vào loại cọ và hãng sản xuất. thì Ví dụ như cùng một dòng sản phẩm, cọ round size 2 có độ dài đầu cọ là 9 mm, độ rộng là 1.5 mm; còn cọ quill cũng size 2 lần lượt là 28 mm và 9mm. Thông thường thì nếu bạn mua cọ từ những hãng danh tiếng thì trên trang chình thức của họ sẽ có các thông số kích thước cọ nhưng bạn phải chịu khó đọc bằng tiếng Anh, nếu cảm thấy cần thì bạn hãy thử hỏi người bán kích thước chính xác của đầu cọ, vậy sẽ dễ hình dung cây cọ hơn.

    Bạn có thể nhắm chừng trước kích cỡ cọ bạn muốn bằng mm hoặc inch trước, rồi sau đó đối chiếu với size của hãng cọ để quyết định mua cây cọ nào. Kích thước cọ thường dao động từ 0000 tới 50.

    Kết luận

    Trừ khi bạn rất giàu (tằm triệu phú, USD đương nhiên), nếu không thì đừng mơ mua hết tất cả các loại cọ. Tùy theo kích thước giấy bạn vẽ, nhưng thường thì bạn sẽ cần một cây cọ round cỡ nhỏ (size 2-3), một cây cọ round cỡ vừa (chừng 5-6), và lớn (10-12), nên là lông chồn zibelin tự nhiên hoặc nhân tạo; một đến hai cây cọ để wash có thể là cọ flat, mop, v.v. Nếu bạn thích vẽ thật chi tiết, thì có thể mua thêm một cây cọ round siêu nhỏ (từ 0 trở xuống), cọ rigger hay cọ spotter.

    Nội dung và hình ảnh trong bài viết này được tổng hợp từ các thông tin từ trang https://www.art-is-fun.com/paintbrushes-for-watercolors/ và https://en.wikipedia.org/wiki/Paintbrush, cộng với kinh nghiệm cá nhân của mình. Nếu có gì sai sót mong các bạn bỏ qua.

    Các bạn có thể đọc thêm về cách chọn các vật dụng khác như là giấy vẽ màu nước hay các dụng cụ vẽ (màu khô) trên blog.

    Về Moko’ Story sau 2 năm

    Tiêu chuẩn

    Đã lâu rồi không viết bài mới trên Blog. Thoắt một cài nhìn lại Blog này đã được 2 năm rồi. Sau 2 năm gằn bó với Blog, thì giờ Momoko có vài điều muốn nói.

    Đầu tiên là không biết có phải tại bản thân Moko nhạy cảm quá không, nhưng Moko muốn nói là Blog Moko’s Story được tài trợ bởi Shop màu vẽ Moko. Hai trang này không phải là một. Vì vậy hy vọng mọi người đừng hỏi Moko dụng cụ vẽ giá khoảng bao nhiêu, bộ như hình thì giá bao nhiêu, vv. Thật tình là Moko không biết đâu.
    Nếu bạn cảm thấy bài viết trên này hữu ích bạn có thể ủng hộ Shop (tùy hỷ, Moko không ép buộc).

    Sau 2 năm, thì Moko thấy rằng câu hỏi mọi người thường hỏi về những vấn đề liên quan đến chọn dụng cụ vẽ gì, nên dùng hãng nào, mua ở đâu. Chuyện này Moko chỉ có thể trả lời theo hiểu biết của bản thân, mà Moko cũng chưa thể trải nghiệm nhiều dụng cụ vẽ và hãng màu khác nhau (do ví tiền không cho phép >.<), hy vọng có thể giải đáp phần nào thắc mắc của mọi người. Nếu có thể Moko sẽ tiếng tục viết một số bài về dụng cụ vẽ như cọ, màu, giấy vv và review về những sản phẩm Moko đã có cơ hội dùng qua. Mong là mọi người sẽ thích.

    Cuối cùng là một thông báo nhỏ dành cho những bạn nào vẽ màu nước, hoặc có đam mê với màu nước. Hiện tại, Shop màu vẽ Moko đang có tổ chức một cuộc thi vẽ mang tên “Flow of Color” dành cho màu nước, hoặc mixed media gồm màu nước. Tuy đây không phải kì thi danh tiếng gì, nhưng mọi người cũng có thể thử sức xem sao. Moko cũng định tìm một bức thi xem thế nào.
    Ngoài ra, còn một giải thưởng phụ dành cho bạn nào may mắn bằng cách like và share. Bạn nào không cần thử sức cũng có thể thử vận may.

    Bạn nào quan tâm có thể xem chi tiết tại đây.

    [Updated 21/07/2017: Cuộc thi này hiện tại đã kết thúc và có kết quả, bạn nào quan tâm thì có thể xem kết quả tại đây và Like Shop này, hy vọng năm sau sẽ tổ chức tiếp :))

    Review Strathmore Series 400 toned gray

    Tiêu chuẩn

    Đã vẽ một hai tranh rồi nên giờ quyết định review cho Strathmore 400 Series Toned Gray. Đây là quyển sổ vẽ của Strathmore đầu tiên mình dùng và đây cũng là bài đầu tiên mình viết dựa hoàn toàn trên cảm quan của mình, nên nếu có gì sai sót hy vọng một người bỏ qua.
    Không hiểu sao ở vn mình ít thấy ai để ý tới loại giấy này, cá nhân mình thì thấy giấy toned rất tiện khi dùng vẽ realistic, nhất là những bức nào có nhiều mảng sáng, tô màu trắng lên nhìn rất là nổi, mình cũng đã thử dùng Prismacolore Premier Softcore với giấy này, màu lên cực kỳ rực rỡ luôn.

    tonedgray

    Tổng quát:

    Thông tin cơ bản:
    +Hãng: Strathmore (Mỹ)
    +Loại: 400 Series
    +Thành phần: chắc là bột gỗ (wood pulp), có 30% sợi post-consumer (sợi đã qua sử dụng, được tái chế lại)
    +Trọng lượng: 80 lb (118 g/m2)
    +Bề mặt: medium
    +Thích hợp cho: các chất liệu khô như chì graphite, chì than gỗ, chì màu v…v , mực và bút.
    +Sản xuất tại Mỹ
    +Giá: 180k/cuốn, size 5.5×8.5 inch, 50 tờ

    Ưu điểm:
    +Bề mặt ăn chì tốt, tô được tương đối nhiều lớp (layer)
    +Giá tốt (với giấy chất lượng chuyên nghiệp)
    +Nhiều kích cỡ
    +Dùng sợi tái chế (bảo vệ môi trường)

    Khuyết điểm:
    +Trọng lượng thấp, nên hơi mỏng
    +Có nhiều sợi lạ trên giấy, nhưng sau khi tô màu rồi thì không thấy nữa

    Chi tiết:

    Về bề ngoài: Cuốn mình dùng là loại gáy lò xo; size 5.5″x 8.5″, khoảng bằng một quyển vở; 50 tờ. Mình thích dùng gáy lò xo vì tiện lật qua trang vẽ bức tiếp theo. Với các quyển có size lớn hơn thì Strathmore có phần lỗ châm kim để dễ xé ra thành từng tờ, nhưng quyển của mình thì không có, nên nếu muốn xé giấy ra thì hơi vất vả. song cũng không phải chuyện gì to tát vì mình hiếm khi xé giấy ra.

    Quan trọng là bề bên trong:

    2016-10-01-1546

    Như cái tên, giấy có màu hơi ngả xám lạnh, trên mặt giấy có những đường gì đó, nhìn như sợi gỗ (tại vì đây là giấy tái chế ???). Ban đầu thì mình thấy khá phiền về mấy đường này, nhưng sau một hồi tô thì chì đè lên chả còn thấy nữa nên cũng chẳng sao.

    Định lượng giấy là 80 lb (118 g/m2) tương đối mỏng, chắc tại vì đây là giấy để sketch; tuy vậy mình không dùng vẽ phác mà vẽ cả bức hoàn chỉnh luôn thì vẫn rất ok. Bề mặt giấy khá mịn (dù ngoài bìa ghi là medium surface) nhưng vẫn ăn chì tốt.
    Mình còn thử nghịch nhỏ vài giọng nước lên nữa, xem giấy này có vẽ màu nước được không. Kết quả là giấy thấm nước chậm, sau khi thấm có phần bị hơi cong, nên mình nghĩ là có thể dùng để vẽ những tranh không cần wash nhiều hay vẽ phác, có lẽ nên dùng màu opaque do giấy có màu xám.
    Nói chung là series 400 nên có thể yên tâm vế chất lượng.

    [Updated-23.03.18] Sau này thì mình có đi thử đi mực lên giấy này. Đi bút lông kim (felt tip) khá ổn, còn bút sắt (nib pen) đi hơi rít và mực hơi lâu khô. Những bút mình đã thử là:
    +Bút lông kim (feft tip): UniPin (của Mitsubishi), Sakura Micron.
    +Bút sắt (nib pen): ngòi của Nikko (G, maru, Saji, School, Japan) mực Kuretake Black.

    Về giá cả, thì mình nghĩ giá của Toned khá mềm (đối với giấy vẽ chuyên nghiệp), cuốn của mình lấy từ Mokoshop, 180k, 50 tờ, chia ra là ~4k/tờ. (thời điểm mình xem giá là 25/9/2016)

    Đây là hai bức mình đã vẽ bằng Strathmore 400 Series Toned Gray:
    Một bức dùng Prismacolor Premier Softcore.
    picture-005

    Còn bức này dùng General’s Charcoal Pencils.

    rabbit-scan

    Khi mình vẽ bức hình con thỏ này mình cò thử dùng dry brush lên nữa. Thế mới thấy tiền nào của nấy. Mình dùng dry brush lên cuốn Mango Sketch book (69k, 30 tờ), giấy đổ lông hết cả lên; còn cuốn này quẹt xong vẫn bình thường =.=

    Kết luận: Cái gì cũng phải có đầu tư.

    Ngoài ra bạn cũng có thể xem thêm cách chọn dụng cụ vẽ (cho các chất liệu khô).

    Tuyên bố bản quyền: Tất cả những nội dung và hình ảnh trong bài viết này đều thuộc bản quyền của Moko’s Story và MokoShop.

    Một số kỹ thuật tô màu nước cơ bản

    Tiêu chuẩn

    Trong bài này, chúng ta sẽ lướt sơ qua một số kỹ thuật vẽ màu nước căn bản và giải thích những gì bạn cần biết để dùng các kỹ thuật này.

    Kỹ thuật #1- Flat wash

    flatwashFlat wash là kỹ thuật vẽ màu nước đầu tiên mà bạn nên học. Flat wash là một lớp màu nước mịn, đều. Dùng cọ flat (phẳng) lớn là thích hợp nhất cho kỹ thuật này, vì nó giúp bạn giảm số lần tô, giúp màu đều hơn.

    Đầu tiên, làm ướt cọ bằng nước và màu, rồi quẹt cọ theo đường thẳng ngang tờ giấy, dùng lực ấn thật nhẹ. Bằng một lượng màu và nước tương đương, lặp lại tương tự bước trên, nét sau chồng lên mép nét trước một chút.

    Nếu làm chính xác, bạn sẽ tô ra được một lớp màu đều. Ban đầu sẽ hơi khó, nhưng luyện tập nhiều bạn sẽ thuần thục kỹ thuật này hơn. Nếu bạn có thể đạt được độ chính xác và phong cách cần để thuần thục kỹ năng này thì bạn đã bước thêm được một bước trên con đường nghệ thuật của mình rồi đó.

    Kỹ thuật #2-Graded Washgradedwash

    Graded wash là kỹ thuật “cấp cao” hơn của flat wash. Ngoài tập trung vào độ chính xác, bạn còn cần thêm một ít kiểm soát, vì khi graded wash màu sẽ nhạt hoặc đậm dần theo mỗi nét cọ.

    Bắt đầu cũng giống như flat wash, bằng cọ flat, một lượng màu và nước vừa phải và một nét cọ đều trên giấy. Tới nét thứ hai, thêm một chút nước để màu nhạt hơn hoặc thêm chút màu cho đậm hơn. Chuyện này phụ thuộc vào việc bạn muốn tô từ đậm sang nhạt hay từ nhạt sang đậm.

    Tiếp tục thêm nước, hay màu, cho mỗi nét tiếp theo, các nét sau chồng lên các nét trước một chút để màu chuyển tự nhiên.

    Kỹ thuật #3-Wet in wet

    WetInWetĐây là, một trong những kỹ thuật vẽ màu nước cơ bản nhất, và nó đặc biệt tuyệt vì có thể tạo ra hiệu ứng nhòe rất đẹp.

    Với kỹ thuật này bạn sẽ cần một bình xịt nước và một miếng bọt biển. Đầu tiên xịt một ít nước lên giấy, rồi lấy bọt biển thoa đều nước ra khắp mặt giấy. Sau đó chỉ việc tô màu lên!

    Nếu màu đủ ướt, chúng sẽ lan ra một chút. Tạo ra các nét cọ nhòe rất đẹp, thích hợp để vẽ nền hay một cảnh u buồn.

    Kỹ thuật #4-Dry brush

    Gần như đối lại với kĩ thuật wet in wet, kỹ thuật dry brush dùng màu gần như khô tô lên mặt giấy khô. Bởi vì kỹ thuật này tạo ta hiệu ứng có hoa văn rất “rough” (sần), bạn nên dùng để vẽ những vật ở gần, hay những vật có bề mặt gò ghề. Đặc biệt là trong trường hợp bạn tô toàn bộ những phần còn lại của bức tranh bằng các kỹ thuật vẽ màu nước ướt. Nét sắc của phần cọ khô sẽ rất nổi bật trước những phần mềm, ẩm còn lại của bức vẽ.

    DryBrush

    Kỹ thuật #5-Spray Techniques

    Nếu bạn thích phong cách hiện đại như Jackson Pollock, bạn có thể sử dụng một cây cọ flat lớn hay một cái bàn chải đánh răng để tạo ra hiệu ứng giống sơn xịt hay bắn tung tóe (splattered & sprayed effects). Trộn màu với một lượng nước vừa phải, rồi dùng ngón tay vuốt lông cọ để màu búng ra khắp trang giấy.

    Nếu bạn không muốn cọ của mình chứa quá nhiều nước khiến cho màu nhỏ thành những giọt lớn trên bức tranh, hay thậm chí có thể là giấy “ướt sũng”. Để kiểm soát hiệu ứng nghệ thuật này tốt hơn, bạn nên luyện tập kỹ thuật này trên một mảnh giấy trắng trước. Để kiểm soát tốt hơn nữa, hãy tập kỹ thuật này trên giấy khô và giấy ẩm với nhiều mức độ khác nhau. Làm như vậy bạn có thể xem thử hiệu ứng sẽ trong như thế nào với các điều kiện khác nhau.

    Spray

    Kỹ thuật #6-Color lifting

    ColorLiftiBạn có thể dùng cọ hoặc một miếng khăn giấy nhúm ướt, rồi dùng nó để chùi phần màu đã tô trên bức tranh. Làm như vậy giúp bức tranh của bạn có một nét mềm mại, có thể dùng để tạo một cảnh u buồn, theo trường phái ấn tượng hay mây, nước.

    Bởi vì cọ và khăn giấy sẽ thấm bớt màu ra khỏi tranh của bạn nên kỹ thuật này còn có thể dùng để tạo ra các hiệu ứng ánh sáng mềm mại như tia sáng hay sương mù. Nếu giấy khô, bạn có thể đặt một đặt một băng giấy lên bức vẽ và chậm ở giữa để tạo ra một tia sáng sắc nét và thẳng mà lại mờ ở giữa.

    Kỹ thuật #7-Edge Softening

    Nếu bạn đang vẽ các chi tiết nhỏ và phát hiện ra rằng bạn các cạnh không được mềm mại cho lắm, kỹ thuật này là dành cho bạn. Có vài cách giúp cho bạn có thể biến các cạnh sắc thành các nét mờ mềm mại, nhờ đó màu nước trở thành chất liệu u buồn, theo phong cách ấn tượng.

    Quan trọng nhất là phải làm ngay lập tức. Ngay sau khi bạn vừa tô xong, lập tức làm ướt cọ, nhớ chỉ để cọ ẩm chứ không quá ướt. Sau đó, tô dọc theo đường bạn muốn làm mềm. Phần mới tô hơi ẩm có thể cho phép màu mới có thể hòa vào, nhưng chỉ khi giấy còn ướt thôi. Bạn có thể tiếp tục lập lại nếu muốn tăng kích thước của phần mờ.

    SoftEdge

    Nguồn:

    +Bài dịch: từ bài viết tại trang blog.udemy.com.

    +Hình:

    http://startstudioarts.si.edu/2010/06/friday-feature-more-watercolor-techniques.html

    http://johnlovettwatercolorworkshop.com/mixing-colors/

    http://watercolorpainting.com/http://artbylerriclasses.blogspot.com/p/basic-watercolor-brush-strokes.html

    Watercolor Lesson – The Control of Water in Watercolour

    Giới thiệu một số đặc tính quan trọng cần lưu ý của màu nước

    Tiêu chuẩn

    Vẻ đẹp và sự độc đáo của màu nước nằm trong những tính chất đặc biệt của nó, những đặc tính không thể tìm thấy ở loại màu khác.

    1. Màu nước

    Watercolor (màu nước) có thể được làm từ bột màu tự nhiên tìm thấy trong thiên nhiên như đất sét, khoáng chất v.v hoặc bột màu tổng hợp, sau đó nghiền mịn bột màu rồi kết dính bằng gum binder tan trong nước (chất gắn có nguồn gốc thực vật, thường được làm từ nhựa cây)

    Watercolor có 2 dạng chính là tube và pan, trong đó tube là loại phổ biến nhất.

    2. Transparent [trong suốt] và Opaque [đục]

    trans opÁnh sáng có thể chiếu xuyên qua lớp màu Transparent watercolor tới mặt giấy nhờ đó Transparent watercolor cho phép màu giấy trắng phản chiếu lại, nên màu có vẻ trong suốt, sinh động và rực rỡ.

    Opaque thì chặn ánh sáng xuyên qua giấy, do đó ánh sáng sẽ phản xạ khỏi màu. Điều này khiến màu trông có vẻ đục, mặc dù một vài màu Opaque có màu rất rực rỡ.

    Muốn biết màu bạn đang dùng có phải là loại Transparent hay không thì bạn có thể vẽ ra 1 đường màu đen bằng cái gì cũng được, sau đó vẽ 1 đường màu nước bạn đang dùng lên. Khi đó, bạn sẽ nhận thấy điểm khác biệt.

    Một số mẫu màu Transparent và Semi-transparent

    Một số mẫu màu Semi-opaque và Opaque

    Một số mẫu màu tôn trắng và đen

    3. Staining và Non-staining

    stainNon-Staining watercolor sẽ nằm trên bề mặt của giấy sau khi nước bốc hơi. Sau khi khô, bạn có thể gỡ ra mà không để lại dấu vết trên giấy. Trộn cực tốt với những màu non-staining khác.

    Staning watercolor sẽ ngay lập tức hút vào vài lớp watercolor paper trước khi có cơ hội bốc hơi. Khi đã khô dù cào ra vẫn để lại lớp màu trên giấy. Loại Staining trộn lẫn với nhau rất hợp nhưng nếu trộn với loại non-staining thì chúng có khả năng làm biến màu loại non-staining và sẽ át hẳn màu tổng thể của hỗn hợp màu trộn.

    Nếu bạn vừa mới bắt đầu thì nên dùng thử loại non-staining.

    một số mẫu màu Staining

    4. Sedimentary (Cặn màu)

    sedMàu nước có cặn (Sedimentary Watercolors) cũng thuộc các loại Transparent, Semi-transparent, Semi-opaque, Opaque. Màu nước cũng độc đáo hơn nhờ những vụn cặn màu ngẫu nhiên lắng thành các hoa văn trên mặt giấy khi vẽ.

    Những màu này tạo nên những lớp wash rất đẹp và tuyệt vời, nhưng khó có thể chồng lớp (layer) vì chúng có nhiều gum binder. Ngoài ra những hột cặn màu nhỏ này còn có thể lắng xuống dưới các ô trên vỉ pha màu, vì vậy hãy nhớ trộn kĩ màu trước mỗi nét cọ để có lượng cặn màu ổn định.

    5. Non-fugitive [chống phai] và Fugitive [dễ phai]

    fugCác nhà sản xuất màu nước thường dùng thuật ngữ “lightfastness” để chỉ mức độ chống phai của màu. Lightfastness dao động từ mức I (tốt nhất) tới mức V (dễ phai). Cũng vì chống phai mà màu dành cho chuyên nghiệp mắc hơn màu học sinh rất nhiều.

    Một số lưu ý:

    • Màu nước Transparent không có màu trắng. Màu trắng mà chúng ta thấy thật ra thường là màu trắng của giấy.
    • Màu nước khi khô thường nhạt gấp khoảng 3 lần so với khi ướt.
    • Màu sẽ khô nhanh hơn khi thời tiết khô, nóng ngược lại sẽ lâu khô hơn khi thời tiết ẩm.

    Nguồn: http://www.watercolorpaintingandprojects.com/basics/properties.html

    Chọn giấy vẽ màu nước

    Tiêu chuẩn

    Lựa chọn giấy vẽ màu nước (watercolour paper) thích hợp khá khó khăn vì có rất nhiều loại khác nhau. Bài viết này sẽ đưa ra một vài gợi ý tham khảo cho người mua có thể thoải mái hơn trong việc lựa chọn loại giấy phù hợp với nhu cầu.

    1 [Làm quen với một số thông số của giấy]

    • Trọng lượng và bề mặt giấy (Weight and texture): Giấy vẽ màu nước rất đa dạng về trọng lượng và bề mặt. Ta nên tùy chọn dựa vào kỹ thuật cũng như sở thích cá nhân.
    • Khả năng thẩm thấu (Absorbent ability): không giống như giấy vẽ và giấy in, giấy vẽ màu nước được tráng một lớp vật liệu (thường là gelatin). Lớp tráng này cho khiến cho bột màu vẽ (pigments) không bị thấm vào trong mà sẽ ở lại trên bề mặt giấy, vì thế màu sắc trên giấy sẽ rực rỡ hơn.
    • Giá thành: Giấy vẽ màu nước rất đắt, nhưng nếu bạn muốn đạt được kết quả tốt nhất, bạn nên dùng đúng chất liệu. Giấy in, giấy dùng để vẽ phác (sketch paper), và các loại giấy khác (dù dày) nhưng nếu không phải loại cho dùng cho màu nước, khi bức tranh hoàn tất, kết quả sẽ thể hiện rõ điều này.

    2  [Bề mặt giấy]

    Có 3 loại chính:

    hotHot-Press là loại có bề mặt mịn, thỉnh thoảng ngoài bao bì còn ghi là “smooth”, do không sần nên màu sẽ nhanh khô hơn. Thích hợp để vẽ chi tiết, kết hợp màu nước và bút mực, hoặc dùng màu nước như là màu nền cho chì màu, bút lông kim…

    coldCold-Press có bề mặt sần, không thích hợp với tranh quá chi tiết, nhưng phù hợp với nhiều kĩ thuật vẽ màu nước. Cold-Press là loại thường dùng nhất. Nếu bạn bắt đầu vẽ màu nước, bạn nên thử loại giấy này. Tuy nhiên, không có chuẩn mực chung cho bề mặt của Cold-Press, cụ thể là những hãng giấy khác nhau sẽ có độ sần và kích thước nốt sần khác nhau.

    roughMặt nhám (Rough), chúng rất phù hợp cho cọ đầu to và những bức tranh cỡ lớn, nhưng với người không chuyên chưa nên dùng.

    3 [Trọng lượng]

    Đây chính là yếu tố tiếp theo cần cân nhắc. Cân nặng của giấy thường tính theo lbs hoặc g/m2. Con số càng lớn thì giấy càng nặng và dày. Loại thông dụng nhất là 140lbs (300 g/m2) vì phù hợp với các loại tranh. Nếu bạn định vẽ 1 bức tranh thật lớn hoặc vẽ rất nhiều lớp wash (vẽ màu lên giấy ẩm sẽ tạo thành 1 lớp wash), thì nên dùng loại dày hơn là 300lbs (620 g/m2) Ngoài ra còn có loại mỏng nhẹ hơn là 90lbs (khoảng 180 g/m2). Chúng rẻ hơn loại 140lbs, nhưng lại rất khó cho người mới tập dùng.

    4 [Kích cỡ và định dạng]

    Pads: là loại đóng thành tập, thường từ 12 đến 50 tờ, có thể được đóng bằng gáy xoắn (giống sketchbook) hoặc dán bằng keo ở 1 góc. Loại gáy xoắn sẽ rất thích hợp nếu bạn muốn giữ các bức tranh cùng nhau hoặc khi di chuyển và muốn tạo 1 nhật ký bằng tranh. Còn loại dán keo thì dễ xé bức tranh đã hoàn tất ra khi bạn muốn để riêng nó và bắt đầu một tác phẩm mới. Loại pad này có kích thước lên tới 18 x 24″ (45 x 60 cm).

    Visual Novel của Strathmore

    Visual Novel của Strathmore

    Blocks thường gồm 20-25 tờ (140lbs) và được dán lại cả 4 phần xung quanh. Lợi thế là khi cả 4 góc đều đính chặt thì nó sẽ giống như 1 khối, ít bị xê dịch khi bạn vẽ.  Từng trang riêng rẽ (sheets) : Sẽ rất thích hợp nếu bạn không thích dùng pad hoặc block. Đồng thời bạn có thể thoải mái thay đổi chủng loại hoặc kích thước tùy ý mình. Tuy nhiên việc bảo quản sẽ phải cẩn thận hơn. sheet   rollCuộn (roll) thường có kích thước rất lớn (thường rộng khoảng 1-1.5 m, dài khoảng 9m), nên khi mua về bạn có thể tự cắt lại theo ý thích của mình nếu bạn muốn vẽ những bức tranh cỡ lớn hơn 22×30” (55x76cm)

    5 [Một số điểm cần lưu ý khác]

    • Giấy không chứa Acid (Acid-free) là thứ quan trọng, bạn nên kiểm tra trên bao bì cho cẩn thận (đặc biệt là khi mua loại giấy rẻ dành cho học sinh), nếu không bức vẽ mà bạn tự hào sẽ bị ố vàng đấy.
    • Độ trắng của giấy cũng có thể ảnh hưởng đến tổng thể bức trang sau khi hoàn thành. Một số thì thích màu trắng sáng (bright white), số khác thì lại thích màu trắng ngà (softer off-white). Vì thế hãy lựa chọn theo sở thích của bạn.
    • Độ sạch cũng có ảnh hưởng đến tác phẩm của bạn. Đương nhiên không ai muốn mua 1 tờ giấy mà trên đó bị dơ hoặc có vết chân thú đúng không nào? Tuy nhiên không chỉ có vậy mà dầu trên tay của chúng ta cũng có thể làm hỏng giấy. Vì thế chỉ nên mua khi giấy vẫn còn nguyên seal và luôn kiểm tra cẩn thận trước khi mua nếu có thể.
    • Hầu hết cách nhà sản xuất luôn có miêu tả chi tiết về sản phẩm của họ trên bao bì, nhưng luôn có sự khác biệt lớn giữa những nhãn hiệu. Nguyên liệu làm cũng rất đa dạng như cotton, wood pulp,… . Ngoài ra, một số loại giấy còn được tráng một lớp Gelatine hoặc bột để điều chỉnh độ thẩm thấu của giấy. Để nhận ra loại giấy phù hợp với mình, hãy trải nghiệm trên nhiều loại giấy khác khác nhau để tìm ra cái phù hợp với phong cách của bạn nhất.

    Màu vẽ trên các loại bề mặt giấy khác nhau

    Màu vẽ trên các loại bề mặt giấy khác nhau

    Nguồn: Wikihow

    Các bạn có thể đọc thêm những bài liên quan tới màu nước như:
    +Giới thiệu một số đặc tính quan trọng cần lưu ý của màu nước
    +Phân biệt Water Color và Poster Color
    +Một số kỹ thuật tô màu nước cơ bản
    +Chọn cọ vẽ màu nước